
Cái gì kia đang rơi
tuyết ư
như bọt sóng trên trời
ồ không, chỉ hoa rơi lặng lẽ
nhưng hoa gì mà trắng thế?
(Tanka)
Có một lần chợt vô tình thấy bức tranh tuyết rơi trên những tượng thần khiến mình ấn tượng. Bức tranh mang hơi thở của thiền, của tấm lòng một con người. Vì thế mình đi tìm tên hoạ sỹ, quả là một công cuộc khó khăn nhưng khi tìm ra cũng thật là thích thú. Đó là tranh của cô Kazuyoshi Yagihashi.
Từ đó mình rất thích xem tranh của cô. Là một hoạ sỹ tự do, Kazuyoshi Yagihashi (八木橋麗代) sống tại Tokyo, ở nhà nuôi dạy hai con nhỏ và hiện vẽ tranh minh hoạ cho sách thiếu nhi.
Trong thời gian nuôi con, cô đã vẽ rất nhiều về hai đứa trẻ và cuộc sống xung quanh thật bình dị và ấm áp bằng màu chì.
Tranh minh hoạ của Kazuyoshi
- Tranh Kayuzoshi yaghashi
Nguồn tranh tác giả tại web: http://www.shiroyagi.net/shiroyaginet/Gallery.html

Ca khúc Ue wo muite arukou (còn gọi là Sukiyaki) – Tôi ngẩng đầu lên bước đi – là một trong những bài hát thuộc thể loại kayokyoku và được biết đến trên toàn thế giới thời những năm 60, đáng chú ý là được thuộc xếp hạng trong bảng Billboard Mỹ năm 1963 và là một trong những ca khúc nước ngoài (không dùng tiếng Anh) ngoài tiếng Pháp và Tây Ban Nha lọt vào bảng xếp hạng này. Ca khúc Sukiyaki đứng đầu trong năm 1961 (năm phát hành) và liên tục được xếp hạng đầu trong các bảng xếp hạng khác.
Bên cạnh đó Sukiyaki liên tục được các quốc gia khác cover lại như Brasil (looking up the sky), Canada, Hongkong, Hoa Kỳ (với tên My First Lonely Night), Anh, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch,… và nhiều bản nhạc không lời chuyển soạn khác. (Xem wiki)
Đây là ca khúc do Kyu Sakamoto (1941), sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em. Anh được biết đến là một ca sỹ và diễn viên nổi tiếng tại Nhật Bản thời kỳ lúc bấy giờ. Tuy nhiên anh đã qua đời do tai nạn máy bay (đây là tai nạn hàng không khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng không Nhật Bản và đứng thứ 3 trên thế giới, sau vụ 11-9 tại Mỹ). Trước khi máy bay lao xuống mặt đất 30 phút, Kyu đã kịp gửi tin nhắn giã biệt với người vợ và 2 người con của anh.
Sukiyaki có đoạn:
Khi đi tôi ngẩng mặt lên trời để nước mắt không thể rơi xuống
Nhớ về những ngày mùa xuân ấy nhưng đêm nay tôi cô đơn một mình
Khi đi tôi ngẩng mặt lên trời để đếm những ngôi sao trên kia với đôi mắt nhạt nhòa
Nhớ về những ngày mùa hè ấy nhưng đêm nay tôi cô đơn một mình
Hạnh phúc nằm trên những đám mây ấy
Hạnh phúc nằm trên bầu trời ấy
Khi đi tôi ngẩng mặt lên trời để nước mắt không thể rơi xuống
Tôi khóc khi đang đi bởi vì tối nay tôi cô đơn một mình
Nhớ về những ngày trong mùa thu nhưng đêm nay tôi cô đơn một mình
Nỗi buồn ẩn giấu trong bóng của các ngôi sao
Nỗi buồn ẩn giấu sau bóng trăng
Khi đi tôi ngẩng mặt lên trời để nước mắt không thể rơi xuống
Trái tim tôi bị bủa vây bởi nỗi buồn
Vì đêm nay tôi cô đơn một mình
Ca khúc thể hiện trái tim tan vỡ của chàng trai khi chia tay tình yêu. Ca khúc này cũng được nghệ sỹ violin Diana Yukawa chơi ở nơi cha cô mất trong cùng chuyến bay với Kyu Sakamoto, và cũng là ca khúc chủ đề rất cảm động La Campanella của album bán chạy nhất năm 2000 tại Nhật Bản. Gần đây nhất năm 2011, ca sỹ Susan Boyle của Anh cũng đã thể hiện ca khúc The first star trong album Someone to watch over me đã cover lại ca khúc này dưới phiên bản tiếng Anh lời mới nhẹ nhàng và được đánh giá là lời ca khúc gần nghĩa nhất phiên bản tiếng Nhật so với các cover song khác.
Nhìn lên bầu trời có các ngôi sao đang lấp lánh
Hãy ước một điều như ngày bé bạn vẫn từng ước
Thậm chí nếu bạn có lúc không cảm động
Nhưng cũng không có nghĩa là bạn đang khóc
Nhìn lên bầu trời tìm kiếm ngôi sao đầu tiên trong đêm nay
Ngôi sao đó sẽ dẫn các ngôi sao xanh lấp lánh trắng
Thậm chí nếu bạn không tìm thấy đêm nay
Không có nghĩa là bạn đã không thử tìm
Mùa xuân sẽ đến sớm, cây cỏ chờ tốt tươi
Chiều mùa hè, tất thảy trôi đi chầm chậm
Ngước nhìn bầu trời và tìm kiếm chàng trai trên mặt trăng
đang đọc câu thần chú hay ngâm nga đung đưa trên cao
Và nếu bạn đang không được vui
Thì vẫn tiếp tục đừng bỏ cuộc
Lalala [ngâm nga]
Thậm chí nếu có lúc bạn không cảm động
Thì không có nghĩa là bạn đang khóc
Mùa thu đến đây rồi, khắp nơi đầy sắc màu lá
Mùa đông sẽ phải cúi chào với những đỉnh núi bạc
Nhìn lên bầu trời có các ngôi sao đang lấp lánh
Hãy ước một điều như ngày bé bạn vẫn từng ước
Thậm chí nếu bạn không nói gì
Điều đó vẫn luôn có nghĩa bạn đang tiếp tục ước nguyện

Các ca khúc tiếng Quảng (cantonese songs/粤语歌) được biết đến là các ca khúc thịnh hành hát bằng tiếng Quảng Đông của ca sỹ Hồng Kông bởi vì các tác giả là người Quảng Đông. Thông thường đó là các ca khúc tiếng Cantonese thịnh hành tại Hồng Kông từ những năm 70 trở đi và nam ca sỹ chính của ban nhạc Liên Hoa là Hứa Quán Kiệt đã tạo nên một trào lưu thịnh hành và được hầu hết công chúng Hồng Kông những năm 70 trở về sau đón nhận. Tương tự như bất kỳ thể loại âm nhạc nào, các ca khúc tiếng Quảng cantonese cũng là một thứ sản phẩm phản ánh được diện mạo cũng như giá trị quan của xã hội qua các thời kỳ.
Nguồn gốc của ca khúc cantonese
Ca khúc tiếng Quảng – cantonese songs/cantopop) lưu hành được cho là bắt đầu từ năm 1950 và thường là các ca khúc ngắn có giai điệu từ kịch truyền thống của người Quảng Đông, bên cạnh đó các ca khúc thường phổ nhạc từ các ca khúc tiếng Phổ thông hiện hành, ca khúc phương Tây và dân ca các vùng khác.
Xã hội Hồng Kông đầu những năm 50 tồn tại 3 tầng lớp gồm có nhóm nhỏ các quan chức cấp cao người Anh, thương nhân đầu tư nước ngoài và tầng lớp trung lưu chiếm thiểu số trong khi đó đại đa số là người lao động. Mối quan hệ giữa các tầng lớp không sâu sắc và sự phân biệt giàu nghèo rõ ràng. Tuy nhiên năm 1949 xuất hiện làn sóng di dân mạnh mẽ sang Hồng Kông, một số ít là thương gia nước ngoài còn đại đa số là người Quảng Đông, dân số Hồng Kông tăng đột biến lên 250 vạn người, gấp 4 lần trước đó. Chính vì vậy, làn sóng di dân này đánh dấu sự ra đời và thịnh hành các ca khúc tiếng Quảng.
Đầu những năm 50, các ca khúc tiếng Quảng thường được biễu diễn tại các phòng trà và đến năm 1960 bắt đầu xuất hiện nhiều ca sỹ nổi tiếng như Quan Diên Xướng và Lệ Sa.
Thời kỳ từ năm 1970 -1974
Năm 1974, ca sỹ Sindokla được mời hát ca khúc “Cười chuyện nhân duyên” do nhạc sỹ Cố Gia Huy soạn nhạc và Diệp Triệu Đức viết lời trong bộ phim truyền hình cùng tên. Ca sỹ người Anh Sindokla trước đây chưa từng hát tiếng Quảng thế nhưng với giai điệu đẹp, ca từ văn nhã làm nhạc nền đã khiến bộ phim nổi tiếng, từ đó không ít các ca khúc trong phim trở nên thịnh hành . Trong những năm 80 tiếp theo, các ca khúc do nhạc sỹ Cố Gia Huy soạn và Hoàng Triềm viết lời trở thành kinh điển.
Có thể nói Ca khúc “铁塔凌云” (Love of tower) của Hứa Quán Kiệt biểu diễn và Hứa Quán Văn viết lời, trình chiếu trong tiết mục truyền hình “Song tinh báo hỉ” là một cột mốc trong trào lưu âm nhạc Hồng Kông, được công chúng ưa thích và hoan nghênh. Đại diện tiêu biểu thời kỳ này còn có Từ Tiểu Phụng, La Văn, Lâm Tử Tường, Quan Chính Kiệt, Diệp Lệ Nghi… Không khí âm nhạc xã hội bắt đầu sôi động và người nghe không những chỉ đón nhận các ca khúc tiếng Anh, tiếng phổ thông nữa. Tạp chí Billboard của Mỹ thời kỳ đó đã dùng tên “Cantopop” để gọi tên các ca khúc tiếng Quảng đương thời.
Sự thay đổi trong phong cách viết ca từ
Thời kỳ đầu của Cantopop xuất hiện 2 phong cách viết lời: một xu hướng dùng cổ văn tạo nên phong cách ca từ nho nhã mà cho đến ngày nay vẫn lưu truyền như : Thiên nhai cô khách, cười chuyện nhân duyên hay nhất thủy cách thiên nhai,… Một phong cách ca từ khác đó là ca từ dung dị, dùng lời nói hằng ngày để diễn tả, nội dung như những cuộc đối thoại thường nhật trong cuộc sống như Tám lạng nửa cân, đả tước anh hùng truyền,…
(Lược dịch theo baike.baidu)
Một số ca khúc tiếng Quảng yêu thích và hoài niệm
- Thiện ảnh – Thái Phong Hoa
- Mãi mãi yêu em – Trần Bách Cường
- Tháng ngày xán lạn – Beyond
- Nguyệt bán tiểu dạ khúc – Lý Khắc Cần
- Tuyết bay – Trần Tuệ Nhàn
- Chỉ còn tình yêu mãi mãi – Trương Học Hữu & Quảng Mỹ Vân
- Im lặng là vàng – Trương Quốc Vinh& Hứa Quán Kiệt
- Khó gặp được tình nhân – Quan Thục Di
- Chấp mê bất hối – Vương Phi
- Thiên nhược hữu tình – Vương Phụng Anh

Bài viết về Nhà truyền thống Nhật Bản
Đọc Anime hay Manga Nhật Bản đã trở nên món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hầu hết lứa tuổi thanh thiếu niên bấy giờ trong đó có mình (mặc dù chẳng ở tuổi thiếu niên), nhưng hôm nay không bàn về truyện hay nội dung đâu mà thích nói về nhà kiến trúc truyền thống Nhật Bản mà mình hay nhìn thấy qua truyện.
Cảm hứng của tôi từ võ đường Kayami của Kaoru trong câu chuyện yêu thích – Rurouni Kenshin (Lãng khách kiếm tâm), hay mô hình các lâu đài ụ đất Dokutake, Dokuaji trong Ninja loạn thị, và rất nhiều truyện khác. Có lẽ rút ra được đặc điểm chung về kiến trúc nhà truyền thống Nhật Bản cổ đó là sở thích các vật liệu và khung cảnh tự nhiên, đặc biệt là gỗ. Gỗ là chất liệu có thể truyền dẫn hơi thở nên nó phù hợp với khí hậu Nhật Bản, hấp thu độ ẩm trong những tháng ẩm ướt, thoát ẩm trong mùa khô. Khung cảnh tự nhiên thường thấy ở Nhật Bản đó là vườn, trà thất.
Có thể thấy kiến trúc nhà truyền thống Nhật Bản phát triển với những phong cách sau: Từ các khu nhà lớn Shinden —> dinh thự kiểu Shoin (trà thất Shoin, trà thất Soan) —> nhà kiểu Sukiya —> Nhà ở hiện đại thời kỳ đầu
Phong cách Shinden xuất hiện trong thời Nara (710-794), chín muồi vào cuối thời Heian (794-1185), kiến trúc thường là khu nhà một tầng gồm 1 nhà chính và khu ngoại vi, cất trên những cột gỗ chôn xuống đất, bao quanh là các hành lang bằng gỗ có bậc thang lên xuống. Nền và mặt hiên bằng gỗ, không sơn, mái lợp ván, có một vài vách ngăn trong nội thất giản dị, người ta thường ngồi trên những tấm thảm (tatami), khu vực riêng tư ngăn bằng những mảnh cuốn có vẽ những bức họa nổi tiếng.
Phong cách Shoin có cội nguồn từ thời Muromachi (1333 – 1573), có lẽ khi nghiên cứu tôi thấy phong cách này có ảnh hưởng rất lớn, và hay xuất hiện trong các câu chuyện Nhật Bản. Nét đặc trưng của nó bao gồm : hốc lõm âm tường, giá kệ, bàn giấy và cửa trang trí, thiết kế các phòng không giống nhau, nó vẫn mang những đặc điểm của Shinden. Căn phòng Shoin (thư phòng) thường có các tấm thảm tatami trên tường đối nhau, xiên góc, có những bức màn kéo (fusuma) được dùng để ngăn không gian bên trong, và có thể tháo ra để tạo không gian rộng lớn hơn. Những cánh cửa lùa lưới gỗ được phủ bằng giấy gạo trong suốt (shõji), và những cánh cửa nặng bằng gỗ có thể đóng lại ban đêm hoặc khi thời tiết khắc nghiệt.

Nhà truyền thống Nhật Bản
Thường mình thích thiết kế kiểu này của Nhật Bản vì luôn có mối quan hệ truyền thống giữa ngôi nhà và môi trường cụ thể, nhất là vườn. Người Nhật không xem nội thất và ngoại thất như hai thực thể riêng biệt, không có hàng rào, bức vách không mang tính bảo vệ. Tôi thích hiên nhà và hành lang bên ngoài ngôi nhà bởi nó được dùng như không gian chuyển tiếp từ bên trong ra bên ngoài.
Quay trở lại với “nhà anime”, theo mình kiến trúc trong Ninja loạn thị theo phong cách kế thừa của cả Shinden và Shoin, vì Ninja xuất hiện vào thời Kamakura (1185-1333) và đến thời Tokugawa (thời Edo – 1600 – 1868), cũng tương tự như trong Rurouno Kenshin (Minh Trị năm thứ 11). Bối cảnh là Minh Trị (Meiji – 1868- 1912) có lẽ hay được đưa vào chuyện bởi vì đó là thời tàn của các Samurai và chế độ Mạc Phủ, nhưng tôi không muốn nói đến tinh thần Samurai mà muốn nói đến kiến trúc. Có lẽ trong Kenshin đã xuất hiện những ngôi nhà mang dáng dấp Phương Tây, do chấm dứt thời phong kiến và mở cửa đối với Phương Tây (như tòa cảnh sát trong Kenshin, hay khu thương mại Kyoto)
Hiện nay nhà truyền thống Nhật Bản (Motra) vẫn còn, là kế thừa của phong cách Shoin và Sukija (phiên

Nhà truyền thống Nhật Bản
bản của Shoin với một số thay đổi phù hợp với cuộc sống thường nhật như tạo bầu không khí dân dã hơn, kết hợp với phong cách trà thất – một phong cách tinh tế và sành sỏi nói lên văn hóa Nhật Bản mà thế giới không có được). Motra thường có các mái hiên cao, làm lối đi từ nhà ra vườn quanh, có mái che, cửa ra vào bằng mành tre có thể hạ thấp.
Nguồn tham khảo
Sách The art of japanese architecture (David & Michiko Young)
Nhật Bản đất nước và con người – Echi Aoki
Xem thêm tại: Japanese house

Nếu như bạn quyết định đăng ký cho những đứa trẻ của mình theo học chương trình Montessori, đó là một sự lựa chọn tốt, tuy nhiên quá trình quyết định vẫn còn phải cân nhắc nhiều vấn đề. Bạn phải chọn trường Montessori nào phù hợp với đứa trẻ của mình bởi vì trên thực tế có rất nhiều trường gọi là Montessori nhưng chương trình thì không được như vâỵ. Điều này thật sự khó đối với những người nào còn xa lạ với thế giới của Montessori.
Điều đầu tiên tôi có thể đề xuất với bạn là hãy đến và quan sát lớp học ở đó. Thật khó có thể có cái nhìn chính xác nếu như bạn chỉ đi tour vòng quanh trường hoặc trò chuyện với người quản lý. Bạn phải dành ít nhất 20 phút ngồi yên lặng, quan sát toàn bộ học sinh và cần lưu ý những điểm như sau:
QUAN SÁT LỚP HỌC
- Lớp học có sạch sẽ, ngăn nắp và có đầy đủ các học cụ Montessori? (For an introduction to Montessori materials, please click here.)
- Lớp học có tính thẩm mỹ hay không? Như bà Montessori đã giải thích rằng “đầu óc có tính thẩm thấu của đứa trẻ sẽ tìm kiếm tất cả những điều bổ dưỡng ở môi trường xung quanh, do đó hãy tạo ra môi trường thật hứng thú và thu hút mà chúng ta có thể”
- Có trang bị tủ giá, dụng cụ có kích cỡ cho trẻ em. Đây là điều rất quan trọng để thúc đẩy tính độc lập của trẻ.
- Các học cụ có được làm từ thiên nhiên như gỗ, thuỷ tinh hay kim loại? Liệu chúng có sạch sẽ, ngăn nắp và trẻ có thể dễ dàng lấy chúng?
- Phòng học có đem lại sự thoải mái và gây hứng thú để học không?
- Không khí lớp học có vui vẻ?
QUAN SÁT NHỮNG ĐỨA TRẺ
- Đứa trẻ có cảm thấy thích thú khi ở đó?
- Những đứa trẻ có “làm việc” năng suất không? (tức là tập trung vào nhiệm vụ của chúng) hay bị phân tán và không có tổ chức?
- Những đứa trẻ đang chơi một cách độc lập hay chơi theo từng nhóm nhỏ (thông thường từ 2-4 trẻ) ?
- Có các lứa tuổi khác nhau của trẻ tham gia lớp học không ? (Thông thường là 2,5 – 6 tuổi, 6-9 tuổi, 15-18 tuổi)
- Đứa trẻ có thể chọn công việc của chúng và tập trung vào nó mà không bị phân tán?
- Đứa trẻ có giao tiếp với đứa trẻ khác hoặc ngừoi lớn hơn chúng một cách lễ phép không?
QUAN SÁT GIÁO VIÊN
(cần lưu ý rằng trong lớp học Montessori giáo viên thường được xem là người hướng dẫn)
- Giáo viên giao tiếp với trẻ như thế nào?
- Có sự lễ phép giữa giáo viên và học trò hay không?
- Giáo viên có hướng dẫn cho từng trẻ hay là cả lớp?
- Các giáo viên có quan sát trẻ một cách cẩn thân để họ có thể thấy được sự phát triển của từng cá thể?
Ngoài ra, đây là một số câu hỏi quan trong mà bạn nên hỏi:
- Chương trình học là gì?
- Có thời gian khoảng 3 tiếng trẻ không bị làm phiền hoặc có chương trình học không theo giáo trình hay không?
- Trường học có tập trung vào việc giúp từng đưá trẻ phát triển tốt nhất khả năng của trẻ (thay vì bằng cấp)
- Trẻ có bài tập về nhà không?
- Trẻ có phải tham gia vào các bài kiểm tra mẫu không?
- Đội ngũ giáo viên có thân thiện, hiểu biết và dễ trao đổi?
- Lịch sử trường học?
- Bằng cấp của giáo viên (có được cấp chứng chỉ về giáo dục Montessori hay không vẫn là điều đang bàn cãi)
Cuối cùng và có lẽ quan trong hơn cả đó là hãy tin vào bản năng của bạn. Liệu bạn có cảm thấy thoải mái với môi trường học ở đó không? Lớp học có quá khuôn mẫu hoặc vô tổ chức quá? Đứa trẻ của bạn cảm thấy như thế nào. Những điều đó chỉ có bạn mới biết được và hãy tin vào sự hướng dẫn của chính bản thân mình để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Lược dịch “Ten secrets of Montessori” của Age of Montessori
Xem 10 bí mật phương pháp Montessori phần 1 :, phần 2
#1: Hai thái cực của con người,
#2: Hỗ trợ cho cuộc sống,
#3: Bộ óc thẩm thấu
#4. Giai đoạn mẫn cảm
#5: Sự khác biệt giữa các cá thể
#6. Lớp học được chuẩn bị theo phương pháp Montessori
Phương pháp Montessori sử dụng sự hiểu biết toàn diện về 4 trụ cột của việc học để chuẩn bị một môi trường học tối ưu cho trẻ. Trong lớp học Montessori, trẻ có thể chọn những bài học được chuẩn bị sẵn. Một lớp học điển hình theo phương pháp này sẽ có khoảng 200 bài tập cho trẻ chọn và mỗi bài đều có một mục đích cụ thể.
Những tiêu chuẩn của lớp học này tất nhiên cũng có thể áp dụng tại nhà hoặc dành cho việc tự học tại nhà. Việc tự do lựa chọn trò chơi ưa thích nhất giúp cho sự khác biệt cá thể được tôn trọng và tối đa hoá. Chính vì thế, phương pháp giáo dục này có thể giúp mọi đứa trẻ có thể thành công,
Mục tiêu đầu tiên của việc trang bị một môi trường học tập nhằm giúp trẻ trở thành một người trưởng thành độc lập ~ Maria Montessori
Một trong những nguyên tắc cơ bản của phương pháp Montessori là sự chuẩn bị cẩn thận môi trường cho trẻ. Nói cách đơn giản chính là giúp đứa trẻ có thể có công cụ đúng lúc. Maria Montessori giải thích “Nét đặc thù nhất của hệ thống giáo dục chúng tôi chính là nhấn mạnh vào việc đặt gì vào môi trường đó”. Tất nhiên để đạt được điều này chúng ta phải hiểu được nhu cầu phát triển của trẻ và biết được vật liệu hoặc hoạt động nào thích hợp cho nhu cầu đó. Lớp học Montessori được thiết kế để cung cấp các bài tập, hoạt động và công cụ phù hợp với nhu cầu phát triển và sở thích của từng cá nhân. Điều cần ghi nhớ rằng không phải mọi đứa trẻ đều thích thú với các bài tập sẵn có, chính vì thế trẻ em được phép chọn các

Lớp học Montessori
bài học một cách tự nhiên.
Các chướng ngại vật cần phải giảm thiểu một cách tối đa và môi trường xung quanh phải cung cấp phương tiện cần thiết cho các bài tập hoặc hoạt động để thúc đẩy năng lượng của đứa trẻ ~ Maria Montessori
Vai trò của giáo viên là quan sát sở thích của mỗi đứa trẻ và quá trình của chúng thông qua các bài tập. Giáo viên sẽ định hướng hoặc hướng dẫn khi cần thiết để giúp đứa trẻ làm quen với học cụ. Dựa trên mối giao tiếp với đứa trẻ, giáo viên có thể đổi học cụ hoặc giới thiệu học cụ mới.
Chỉ có duy nhất một nền tảng của sự quan sát: đứa trẻ phải cảm thấy tự do để biểu đạt bản thân và do đó tiết lộ những nhu cầu và thái độ chưa bộc lộ hoặc đè nén của đứa trẻ trong môi trường mà không cho phép chúng thể hiện ~Maria Montessori
Các bài học và học cụ trong môi trường được chuẩn bị sẵn phải được đặt thấp trong tầm với của trẻ. Bên cạnh những giá sách tương ứng chiều cao của trẻ, lớp học Montessori có các đồ đạc, công cụ, hộp đựng có kích cỡ trẻ em và có thể lấy được. Lớp học Montessori tối thiểu hoá sự trợ giúp của người lớn và tăng tính tự hoạt động của trẻ.
Khi chúng ta nói đến “môi trường” là chúng ta đã bao gồm tất cả các vật và trẻ có thể tự do lựa chọn và sử dụng khi chúng thích dựa vào nhu cầu và thiên hướng của chúng. Giáo viên đơn giản chỉ trợ giúp lúc mới bắt đầu để trẻ có thể lấy được học cụ giữa hàng loạt đồ đạc khác nhay và dạy chúng cách sử dụng chính xác. Nói cách khác, người giáo viên giới thiệu cho đứa trẻ môi trường của cuộc sống trật tự và chủ động. Tuy nhiên sau đó họ cần để trẻ tự do lựa chọn và bắt đầu công việc của chúng. ~Maria Montessori
Các vật liệu chúng ta nhìn thấy trong môi trường học tập Montessori ở lớp cũng như ở nhà đã được phát

Mô hình lớp học Montessori
triển qua rất nhiều năm quan sát và trải nghiệp. Chúng được sử dụng trên toàn thế giới, được thiết kế phù hợp với trẻ mọi lứa tuổi và giai đoạn. Đứa trẻ được chọn các bài tập và hoạt động phù hợp chính xác với các giai đoạn mẫn cảm mà trẻ đang trải qua.
Vật liệu phát triển kỹ năng sống thực tế
Học liệu cho cuộc sống thực tế là những dụng cụ hàng ngày nhưng có kích thước nhỏ hơn phù hợp với bàn tay và người của trẻ. Chúng ta dạy các kỹ năng sống thực tế như quét nhà, rửa chén bát, đổ nước, soạn bàn ăn hoặc mặc quần áo. Trẻ em theo bản năng sẽ bắt chước những hoạt động hàng ngày mà chún thấy. Thông qua các bài học này, trẻ sẽ phát triển các kỹ năng vận động to và nhỏ, thăng bằng, phối hợp tay mắt, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự độc lập, tự tin…
Vật liệu cho phát triển giác quan
Các vật liệu này được thiết kế để giúp trẻ học thông qua các giác quan. Sau các nghiên cứu lâu năm, việc học các giác quan là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bộ não. Từ lúc mới sinh, đứa trẻ cần lượng lớn khổng lồ các thông tin về giác quan để xây dựng sự kết nối giữa các nơ-ron thần kinh cần thiết cho trí thông minh của con người.
Vật liệu giúp phát triển ngôn ngữ và toán học
Các hoạt động về kỹ năng sống thực tế và phát triển giác quan giúp xây dựng nền tảng bộ não cần thiết cho ngôn ngữ, toán học, khoa học… Sự phát triển ngôn ngữ bắt đầu sớm với các ngôn ngữ nói và âm thanh của nói tiếp đến học chữ cái – được xem là biểu tượng của những âm thanh này. Sau đó xây dựng từ vừng và các câu nói. Những kỹ năng này mở cánh cửa đọc, viết và ngữ pháp cho trẻ. Các lớp học Montessori sử dụng chữ cái giấy nhám, thẻ âm và bảng chữ cái rời.
Phương pháp Montessori cũng sử dụng các học liệu sẵn có để dạy toán và khoa học. Thông qua học liệu như chuỗi hạt vàng, que tính, hộp que tính quay (spindle box), trẻ có thể học được những khái niệm cơ bản về toán học và khoa học.
- Golden Beads
- Number card
- Spindle box

Hà Nội hôm qua mưa to gió lớn làm mình tiếc rẻ hàng loạt cây đổ bên đường. Nhìn cảnh ngập lụt như vậy mình nhớ tới tiểu luận Hà Nội hướng nào cũng sông của Hồ Anh Thái mà thấy “trên cao gió bạt tiếng eo sèo”. Đôi khi mình không hiểu ở cái tuổi 27 này thì cứ ngồi tiếc rẻ thèm nghe tiếng mưa lộp độp trên tàu lá chuối, róc rách sau nhà mà chợt hỏi không hiểu tâm hồn mình có kịp theo đuổi thời đại, hay vẫn chỉ là
… thèm những đêm nằm nghe mưa rơi trước hiên nhà cũ,
… nghe tình ca Thái Cầm vỗ về tâm hồn lặng lẽ
… đọc sách bên ô cửa sổ mà không nặng gánh ngổn ngang công việc
… xếp giấy, vẽ hoa
Người ta bảo sống vì hiện tại và tương lai, quá khứ qua đi thì hãy để qua nhưng nếu không có những gì đã hiện hữu trong quá khứ thì không thể nối bước cho mình đến hiện tại và tương lai. Tuy nhiên hiện tại của mình vẫn chỉ là nghe những bản tình ca những năm 80, 90. Mỗi lần trước khi đi ngủ đều phải mở ca khúc “Như dòng sông chảy” của Misora Hibari:
Tôi lững thững đi trên đường dài và hẹp
Ngoảnh đầu lại thấy con đường đã xa
Thậm chí không có bản đồ, tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà của mình
với con đường gập ghềnh những khúc quanh, chỗ rẽ
Cuộc sống vẫn như…ah
như dòng chảy của sông, nhẹ nhàng
chảy qua bao nhiêu năm không biết nữa
Ah.. như dòng chảy của sông không bao giờ dừng
như bầu trời kia luôn nhuộm màu ánh sáng
Sống là để cho chúng ta đi…
đi trên những con đường chưa thấy đích
đem yêu thương lại gần hơn khi chúng ta tìm đến với ước mơ
Thậm chí khi ướt sũng trong cơn mưa
khi con đường ngập đầy bùn
nhưng ngày quang đãng rồi sẽ đến
Ah… như dòng sông vẫn chảy êm đềm
như mùa đến rồi đi, như khi đang chờ mùa xuân tan băng giá
Ah… như dòng sông vẫn chảy muôn đời
đưa tôi trôi theo dòng nước
Ah… như dòng sông vẫn chảy muôn đời
lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ xanh
Đây là một bài hát mà mình yêu thích vô cùng. Từ khi đến với âm nhạc Nhật Bản những năm 80, 90 (thể loại kayokyuko hoặc Foku), mình rất thích Misora Hibari – nữ hoàng nhạc Enka và những bài tình ca bất hủ. Bài ca Như dòng sông chảy này đã chảy mãi từ khi Misora cất giọng hát cho đến khi bà mất đi, giọng ca ấy vẫn vỗ vễ từng đợt sóng trong tâm hồn con người yêu mến bà, yêu mến một thời đại đẹp đẽ đã qua!!!

Nhờ một lần đọc cuốn sách Thiên tài và sự giáo dục từ sớm của tác giả Kimura Kyuichi mà tôi tiếp cận được với phương pháp giáo dục tự nhiên của bà Winifred Sackville Stoner (W.S. Stoner). W.S Stoner đã viết 2 cuốn sách trong đó trình bày những quan điểm và phương pháp giáo dục tự nhiên áp dụng đối với người con gái duy nhất của bà Winifred là Natural Education (năm 1914) và Manual of natural education (năm 1916).
Có thể thấy phương pháp giáo dục tự nhiên của bà Stoner cũng tương tự như người cha của Karl Witte – người được xem là mở đầu cho phương pháp giáo dục trẻ từ sớm (early childhood education) và phu nhân Stoner cũng đã bắt đầu hướng sự giáo dục cho con từ khi con gái mới 6 tuần tuổi. Phương pháp giáo dục tự nhiên của Stoner đi sâu vào kích thích trí tưởng tượng, yêu và thích hưởng thụ cái đẹp, khác với Montessori như Stoner đã nói:
“Phương pháp giáo dục Montessori không thể giáo dục con bạn trở thành thiên tài bởi vì bà chỉ chú trọng vào hiện thực, không phát huy trí tưởng tượng của trẻ. Không phủ nhận bà là nhà giáo dục vĩ đại và những cống hiến của bà là rất lớn, nhưng phương pháp đó có lẽ chỉ phù hợp với những trẻ chậm phát triển, còn đối với những trẻ bình thường thì không thật sự hiệu quả. Tôi đoán bản thân bà không phải là người có trí tưởng tượng phong phú vì bà coi những câu chuyện thần tiên là thứ xuẩn ngốc và phương pháp của bà không đếm xỉa đến việc khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế những thứ xuẩn ngốc đó lại đem đến cho trẻ những năng lực sáng tạo dồi dào mà các phương pháp giáo dục hiện thực của bà không làm được”
(Trích Thiên tài và sự giáo dục từ sớm – Kimura Yuichi, trang 211).
Để tiếp cận với phương pháp giáo dục của Stoner, cuốn Manual of Natural Education xuất bản năm 1916 (xem bản ebook tại đây) đã đưa ra 30 nguyên tắc của vệc giáo dục tự nhiên:
Nguyên tắc của phương pháp giáo dục tự nhiên
- Giáo dục phải được thực hiện từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến khi cuối đời
- Là một sự đào tạo làm cha mẹ
- Phát triển bộ ba tinh thần – thể chất – ý chí của đứa trẻ từ khi mới sinh ra
- Phát triển tài năng của mọi đứa trẻ bình thường bởi các bậc cha mẹ
- Trẻ được dạy chơi với những mục đích cụ thể
- Phát triển 5 giác quan
- Trẻ được khuyến khích dùng những câu hỏi tìm kiếm thông tin tự nhiên
- Cha mẹ khuyến khích nên trả lời các câu hỏi của trẻ
- Phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo trong bất kỳ hoàn cảnh nào
- Coi mẹ thiên nhiên (đấng tạo hoá) là người thầy đầu tiên
- Khuyến khích sự biểu lộ hơn là đè nén
- Khuyến khích trẻ dạy những gì trẻ được dạy
- Dạy cho đứa trẻ theo từng đặc thù cá thể độc lập hơn là trong lớp học
- Đưa cho trẻ những đồ chơi có tính xây dựng hơn là phá hỏng, dạy trẻ biết trân trọng biết cho đi trong cuộc sống hơn là nhận lại
- Hãy đem đến cho trẻ những suy nghĩ thật tốt đẹp trong thời kỳ ghi nhớ (memory period – từ 5 đến 12 tuổi) để đến thời kỳ trẻ biết lý lẽ (bắt đầu từ tuổi 12) trẻ sẽ có những nền tảng tốt
- Hãy dạy cho trẻ tất cả các ngôn ngữ trước 12 tuổi theo cách tự nhiên nhất
- Phát triển bản năng nhịp điệu thông qua sự nhịp nhàng đều đặn
- Dạy âm nhạc thông qua việc nghe trước khi nhìn
- Dạy những sự kiện quan trọng thông qua các bài thơ vần điệu
- Trang bị những kiến thức cuộc sống để trở thành công dân có ích
- Thay vì sử dụng các kỳ thi kiểm tra thì dùng các cuốn sách kiến thức
- Hãy trả lương cao cho giáo viên, ít giờ dạy và ít học sinh hơn
- Khuyến khích bản năng biết nuôi dưỡng từ nhỏ thông qua công việc làm vườn hoặc chăm sóc người khác
- Dùng ngôn ngữ Esperanto
- Dạy cách nói, phát âm phiên âm thông qua máy đánh chữ
- Hãy luôn kể các câu chuyện cổ tích, tình yêu, lòng cảm thông và vui vẻ ở nhà và ở trường
- Loại bỏ ma quỷ, sợ hãi, lo lắng hay vội vã
- Ngừng nói “Tôi không thể” mà hãy nói “Tôi sẽ thử”
- Luôn đặt ra những ý tưởng cao
- Đặt 5 nền tảng cơ bản của sự giáo dục bao gồm: sự quan sát, sở thích mãnh liệt, sự tập trung, bắt chước và khám phá
Mục đích của giáo dục tự nhiên đó là đem đến cho mối quan hệ vòng tròn giữa cha mẹ – con cái- giáo viên một môi trường đầy tình yêu và sự cảm thông, trong đó cha mẹ sẽ phải học cách giáo dục con cái một cách tự nhiên nhất và con cái cũng sẽ chỉ ra những tín hiệu cho cha mẹ là nên giáo dục như thế nào.

Lược dịch “Ten secrets of Montessori” của Age of Montessori
Xem 10 bí mật phương pháp Montessori phần 1 :
#1: Hai thái cực của con người,
#2: Hỗ trợ cho cuộc sống,
#3: Bộ óc thẩm thấu
#4: Các thời kỳ nhạy cảm
Thời kỳ nhạy cảm là lúc đứa trẻ bùng cháy thích thú vào điều gì đó, trong suốt giai đoạn đó đứa trẻ sẽ học được một kỹ năng mới đặc thù ~ Mary Ellen Maunz
Trong suốt những năm nghiên cứu và quan sát, Maria Montessori khám phá ra “các thời kỳ nhạy cảm” – chính là cửa sổ phát triển của cơ hội theo đó đứa trẻ có thể học được các khái niệm đặc thù một cách dễ dàng và tự nhiên hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời chúng. Một đứa trẻ rơi vào thời kỳ nhạy cảm sẽ thể hiện sự thích thú mãnh liệt hoặc thiên về một hoạt động hay bài học nào đó.
Đó chính là sự nhạy cảm cho phép một đứa trẻ giao tiếp với thế giới bên ngoài theo một cách mãnh liệt nào đó. Mọi nỗ lực đánh dấu sự gia tăng năng lượng của chúng ~ Maria Montessori
Đó là lý do chính của phương pháp Montessori dựa trên việc học do trẻ làm chủ (child-led learning). Hãy để những đứa trẻ làm theo sở thích và bản năng của chúng để tối đa hoá sức mạnh trong những giai đoạn mẫn cảm này. Tuy nhiên nếu cơ hội trong giai đoạn này bị bỏ qua thì chúng sẽ không thể có lại nữa. May mắn thay cho chúng ta nắm bắt được điều này nhờ tài năng của bà Maria Montessori. VIệc hiểu được điều gì xảy ra và khi nào sẽ cho phép những bậc cha mẹ, giáo viên, ông bà hay người trông trẻ tham gia vào và tạo ra một môi trường cần thiết để đáp ứng những nhu cầu của trẻ.
Tôi quan sát những đứa trẻ nhỏ, cảm nhận những nhu cầu của chúng, tôi cố gắng đáp ứng chúng, đó gọi là phương pháp Montessori ~ Maria Montessori
Bà Maria Montessori đã phát hiện và phân loại 11 giai đoạn nhạy cảm cơ bản của sự phát triển như sau:
- Vận động (Movement): Từ 0-7 tuổi
- Mô hình toán (Math patterns): Từ 0 – 3,5 tuổi –> Toán học: 4-7 tuổi
- Kiểm soát cảm xúc (Emotional control): Từ 0 – 2,5 tuổi
- Tính trật tự (Order): Từ 6 tháng – 3,5 tuổi
- Thích những đồ vật nhỏ (Interest in small objects): Từ 1 – 3,5 tuổi
- Từ vựng (Vocabulary): Từ 1 – 3,5 tuổi
- Các giác quan (Sensations): Từ 2,5 – 6,5 tuổi
- Hình dạng chữ cái, âm thanh (Letter shapes and sounds): Từ 2,5 – 5 tuổi
- Âm nhạc (Music): Từ 3-7 tuổi
- Viết (Writing): Từ 4,5 – 7 tuổi
- Reading (Đọc):Từ 5 – 7 tuổi
Vận động (Movement): trẻ em lúc sinh ra chỉ hạn chế trong một số vận động nhưng nhanh chóng có thể kiểm soát được những vận động tinh (fine motor) và vận động thô (gross motor). Khi chúng học cách sử dụng cơ thể thì chúng đang phát triển các khả năng nhận thức
The hands are the instruments of man’s intelligence. ~ Maria Montessori
Các hình dạng toán (Math pattern): những đứa trẻ sinh ra với cái đầu tư duy toán học. Montessori khám phá ra rằng chúng sinh ra đã học toán theo một cách tự nhiên
Kiểm soát cảm xúc (Emotional Control): Đứa trẻ học về các mối quan hệ, giao tiếp và kiểm soát cảm xúc từ giây phút mới sinh.
Nhu cầu về tính trật tự: (Need for Order): Đứa trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi có nhu cầu nội tại về tính trật tự. Đây là nhu cầu tâm lý lớn. Nhiều cha mẹ đã không nhận ra được điều này. hầu hết các bậc cha mẹ chúng ta quan sát đứa con nhỏ đang hoạt động theo cách có tính trật tự. Tuy nhiên, các chuyên gia Montessori đã nhiều lần chứng minh rằng một khi cac chuẩn mực được thiết lập, nhu cầu nội tại của đứa trẻ về tính trật tự sẽ được kích hoạt. và nhiều lúc những cơn nóng giận vô cớ bướng bỉnh là kết quả của cảm giác tính trật tự của đứa trẻ bị gián đoạn.
Từ vựng (Vocabulary): Đứa trẻ sinh ra đều có nhu cầu bẩm sinh về việc học tập ngôn ngữ. THiên hướng này giúp cho đứa trẻ dưới 6 tuổi học ngôn ngữ dễ dàng hơn.
Thích thú những đồ vật nhỏ (Interest in Small Objects): Những đứa trẻ từ 1 – 4 tuổi sẽ trải nghiệm giai đoạn mẫn cảm về các đồ vật nhỏ. Sự thích thú này ắt hẳn đẫn đến sự phát triển các vận động tinh và cầm nắm. Đây cũng là nền tảng của việc học viết và các kỹ năng quan trọng khác.
To talk is in the nature of man. ~ Maria Montessori
Giai đoạn đặc biệt về giác quan (Special Epoch for Sensation): Đứa trẻ học một cách dễ dàng và hiệu quả hơn thông qua thực hành, trải nghiệm giác quan vật lý hơn là việc nhìn và nghe một bài học.
Hình dạng chữ cái và âm thanh (Letter shapes and sounds): Đứa trẻ cũng trở nên nhạy cảm và thích thú đối với hình dạng chữ cai và âm thanh. Giữa độ tuổi từ 2,5 đến 5 tuổi, đứa trẻ thích các hoạt động như tập vẽ chữ bằng ngón tay, kết nối phát âm của chữ với hình dạng của nó.
The Letters are a stimulus, which illustrate the spoken language already in the mind of the child. ~Maria Montessori
Âm nhạc (Music): Khoảng 3 tuổi đứa trẻ sẽ trải qua giai đoạn mẫn cảm đối với nhịp điệu, âm thanh, giai điệu,… Âm nhạc giúp phát triển bộ não dẫn đến sự phát triển cảm xúc, học thuật và kỹ năng xã hội.
Viết và đọc (Writing and Reading): Việc phát triển đọc và viết là sự trang bị cho trí tuệ của trẻ. Đứa trẻ được tiếp cận đúng dạng thông tin đúng lúc. Khi cung cấp cho đứa trẻ các vật liệu, bài học hay các hoạt động cho chúng thì việc học đọc là một quá trình tiếp theo. Đây là một ưu điểm của phương pháp Montessori. Trong môi trường được chuẩn bị theo phương pháp Montessori, đứa trẻ sẽ chọn những học liệu dựa trên sở thích và sự sẵn sàng của chúng.
.
Bất kỳ ai đã từng dành thời gian với con trẻ đều có thể nói rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Chúng có những sở thích, thế mạnh và nhu cầu phát triển khác nhau. Vì có sự khác nhau đó, liệu việc dạy tất cả đứa trẻ cùng một bài học vào cùng một thời điểm có phải là điều khó hiểu? KHông hẳn vậy, nhưng đây là điều mà cách giáo dục truyền thống đã làm trong suốt thời gian qua. Nó là Mô hình giáo dục ít chú ý đến sự khác biệt này.
Trong suốt cuộc dời quan sát và nghiên cứu, Maria Montessori đã phát triển một phương pháp giáo dục toàn diên và hiệu quả phù hợp cho từng đứa trẻ với từng nhịp điệu của chúng. Vậy phương pháp đó hoạt động như thế nào? Các nhà giáo dục Montessori bao giờ cũng phải trang bị hiểu biết sâu sắc về bốn trụ cột của việc học: “Đời sống thực tế, Phát triển giác quan, phát triển ngôn ngữ và Trang bị sớm cho bộ óc toán học” (Practical Life, Sensorial Development, Development of Language, and Early Preparation of the Mathematical Mind)
Tóm tắt 4 trụ cột của việc học
Practical life: Các bài tập nhằm phát triển sự kết nối, tập trung, cảm giác về trật tự và tính độc lập. Các bài tập này bao gồm việc tự chăm sóc bản thân, chăm sóc môi trường, bài học về lễ nghĩa và các hoạt động vận động tinh.
Các bài tập chăm sóc bản thân như: cài cúc, kéo khoá, rửa tay..
Chăm sóc môi trường như: quét nha, lau bàn hoặc hốt rác
Lễ nghi như chào hỏi, giới thiệu, các tập tục như bắt tay …
Bài tập vận động như diễu hành, khiêu vũ hoặc đi trên đường thẳng …
Phát triển giác quan: (Sensorial Development): các bài tậpvề phát triển 5 giác quan: nhìn, nghe, ngửi, nếm và chạm. Ngoài ra các bài học về giác quan còn chuẩn bị cho trẻ các bài học nâng cao về việc đọc, viết, toán, khoa học và âm nhạc
Trang bị sớm cho bộ óc toán học: Phương pháp Montessori sử dụng các vật liệu hữu hình để dạy trẻ các khái niệm trừu tượng của toán học. Đó là làm thế nào để trẻ học được nền tảng cơ bản suy nghĩ toán học. Ví dụ như trang bị sớm tư duy toán học. Những nền tảng này đặt nền móng cho việc phát triển số học cơ bản như công-trừ-nhân-chia. Đứa trẻ bắt đàu học ngôn ngữ từ lúc mới sinh (hoặc trước đó) và dễ dàng hấp thụ được từ, nghĩa của từ trong nhữn năm đầu đời.
Phát triển sớm ngôn ngữ (Early development of language): các bài tập bắt đầu với ngôn ngữ giao tiếp cơ bản, từ vựng và sự chú ý đến âm vị. Tiếp đó trẻ sẽ học các chữ cái, học từ và xây dựng câu. Tất cả sẽ dẫn đến sự phát triển kỹ năng đọc và viết.

Bánh nhà gừng (gingerbread house) cũng là một trong những project mà người yêu làm bánh hoặc những người yêu truyện cổ tích Grim thích làm thử . Bánh nhà gừng được xem xuất hiện lần đầu tiên ở Đức những năm 80 và truyền thống vẫn thường được làm vào những dịp lễ Giáng sinh của phương Tây.
Loại bánh làm rất đơn giản (thường ăn không ngon) nhưng các ý tưởng và phần trang trí mới là điều hấp dẫn khi bắt đầu làm bánh nhà gừng. Dịp lễ Giáng sinh năm ngoái mình đã làm thử theo công thức của Mary Berry (tại The Great British bake off) bởi vì thích sự lung linh và ấm cúng của một ngôi nhà. Với công thức bánh này mình được học phần làm cơ bản:
1) Xây nhà:
- Tường nhà làm từ bột mỳ, bơ nhạt – unsalted butter, bột gừng, baking soda, đặc biệt cần syrup ngô
- Mái ngói: chocolate button (socola hình tròn)
2) Trang trí: đường icing, kẹo nhiều màu cứng làm cửa sổ kính nhiều màu, nến.
Phần trang trí xung quanh ngôi nhà là tự biên tự diễn (tuyết, sân, gạch, hàng rào đều có thể ăn được bởi làm từ dừa khô, sô-cô-la thanh, mashmallow..).
Bài học thích nhất từ project này là có thể làm cửa sổ kính bằng những viên kẹo cứng nhiều màu bán nhan nhản ở các cửa hàng hay siêu thị. Bài học đắt giá nhất đó là không nên đốt nến quá lâu vì mái ngói sô-cô-la sẽ chảy tan sau 15 phút.
- Bánh nhà gừng – Gingerbread house
- Bánh nhà gừng – gingerbread house
Bonus thêm mấy ông già noel bằng dâu tây…
Dự án Giáng sinh năm nay biết làm gì nhỉ khi không có thời gian một ngày rảnh rỗi? Mình rất thích dự án Bánh nhà gừng trang trí bằng đèn LED…
Please give me more time!!!

Trước khi sinh ra hai thiên thần bé nhỏ, mình đã tìm đọc rất nhiều sách về các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ trong đó có phương pháp của bà Maria Montessori mà hiện nay mọi người đều rất quan tâm. Việc hiểu được cơ bản mỗi phương pháp đó dường như rất quan trọng vì giúp mình đỡ lạc lối trong hàng loạt các sách lý thuyết, bài chia sẻ và thực hành.
Đối với phương pháp này, mình nhận thấy 10 điểm mà bà Mary Ellen Maunz, M. Ed., người sáng lập chương trình Age of Montessori tóm tắt rất dễ hiểu và có thể làm kim chỉ nam cho việc tiếp tục nghiên cứu phương pháp cũng như các vấn đề giáo dục khác ứng dụng dựa trên nền tảng này.
Lược dịch “Ten secrets of Montessori” của Age of Montessori
#1. Hai thái cực của con người (two poles of humanity)
Bà Maria Montessori đã phát hiện ra những bí ẩn về những đứa trẻ dựa trên sự quan sát và nhận biết được chúng thực sự cần những gì.
Phương pháp Montessori
“Sự phát triển của con người trải qua hai giai đoạn quan trọng nhưng khác nhau và riêng biệt về hình thức và mục đích, (bà Montessori) gọi đó là “hai thái cực” của con người. Đứa trẻ hoạt động vì sự thích thú đơn thuần để thoả mãn bản thân nó, trong khi đó người trưởng thành làm việc để đạt được một số mục đích nhất định. Sự khác biệt cơ bản này dường như không được chú ý đến và sự tiến bộ của loài người chủ yếu dựa hoàn toàn vào nhu cầu của người lớn” ~ Mary Ellen Maunz (người sáng lập Age of Montessori)
Đã bao giờ bạn chú ý đến làm thế nào đứa trẻ lại có thể say mê với một số hoat động (trò chơi) một cách không giải thích nổi? Hoặc chúng hoàn toàn mê mải một nhiệm vụ mà bạn không thể hiểu nó thú vị ở chỗ nào? Điều đó giống như một câu chuyện kinh điển về đứa trẻ nhân được món quà là bộ đồ chơi đắt nhất, to nhất và sành điêụ nhất nhưng lại chỉ chơi một cách không ngừng nghỉ với chiếc vỏ hộp của món quà ấy. Tất cả chúng ta thấy rằng đó là ví dụ chứng minh sự khác nhau giữa suy nghĩ của trẻ em và người lớn. Một số giả định rằng đầu óc đứa trẻ đơn giản là một phiên bản chưa có định dạng và chưa trưởng thành của người lớn, nhưng Montessori khám phá ra rằng đó không phải là lời giải thích đúng đắn. Triết lý Montessori phân biệt giai đoạn bộ óc phát triển (developing mind) là một thái cực khác của con người” – chứ không đơn giản là phiên bản trẻ con của người lớn.
“Khi sinh ra, đứa trẻ rời khỏi bụng mẹ và trở thành một cơ thể độc lập. Đứa trẻ sẽ có sự thôi thúc, hoặc nhu cầu đối mặt với thế giới mới và học cách thích nghi với chúng. Chúng ta có thể nói rằng đứa trẻ sinh ra luôn có tâm lý chinh phục thế giới” ~Maria Montessori
Montessori quan sát rằng đứa trẻ được sinh ra với nhu cầu nội tại là hiểu được môi trường xung quanh chúng và hấp thụ các thông tin giống như miếng bọt biển được ngâm trong nước. Montessori gọi là bộ óc thẩm thấu. Đây chính là cách mà đứa trẻ liên tục có nhu cầu nội tại chinh phục môi trường xung quanh.
“Các ấn tượng ùa về trong chúng ta (người trưởng thành) và chúng ta cất giữ trong đầu óc; nhưng bản thân chúng ta vẫn luôn có khoảng cách với ấn tượng đó như bình hoa và nước không cùng nhau. Tuy nhiên, đứa trẻ lại trải qua một quá trình chuyển đổi. Ấn tượng không chỉ đơn thuần nhập tâm trí óc chúng và tạo thành hình trong chúng. Ấn tượng đó hiện thân trong mỗi đứa trẻ… và chúng ta đặt tên cho hình thức về tinh thần này là “bộ óc thẩm thấu” (absorbent mind)” ~ Maria Montessori
Hiểu được rằng đứa trẻ “hoạt động” nhằm thoả mãn động lực nội tại của chúng và không phải để phục vụ cho những mục đích ngoại tại sẽ giúp chúng ta nhận thức được nhu cầu phải làm phong phú môi trường học tập cho chúng. Trong một môi trường “được chuẩn bị”, đứa trẻ có thể được tự mình trải nghiệm. Nhìn từ góc độ người lớn, con đường chọn sẵn cho đứa trẻ có thể ngẫu nhiên và không tuân theo một nguyên tắc nào, đặc biệt kể từ lúc chúng ta không thể lúc nào cũng thấy hoặc đo lường được sự phát triển có tính học thuật. Tuy nhiên các kết quả cuối cùng sẽ hé lộ thông qua sự tự tin ngày càng tăng của đứa trẻ, sự tự chủ và tài năng của chúng từng bước một đạt được. Điều này là một trong những kiến thức mà chúng ta – người giáo viên hoặc cha mẹ có thể đạt được khi hiểu các bí ẩn của giáo dục theo phương pháp Montessori.
#2. Hỗ trợ cho cuộc sống (help to life)
Đây là phương pháp giáo dục được xem là sự hỗ trợ cho cuộc sống, giáo dục từ lúc mới sinh
Phương pháp Montessori
cần đem đến một cuộc cách mạng hoà bình và thống nhất trong tất cả các mục tiêu thông thường. Người mẹ, người cha, các chính trị gia cần phải tôn trọng và hỗ trợ cho công cuộc tinh tế này và đứa trẻ có thể tiếp tục khám phá những bí ẩn tâm lý sâu sắc dưới sự giám sát của chỉ dẫn nội tại. Đây là hy vọng mới tươi sáng của nhân loại – Maria Montessori
Qua lời trích dẫn trên của Montessori, bà tin rằng giáo dục nên hiểu là “sự hỗ trợ cho cuộc sống”. Tuy nhiên, điều mà Montessori thực sự nói đến khi gọi giáo dục là một sự hỗ trợ cho cuộc sống là gì?
Nhiều bậc cha mẹ và giáo viên nghĩ đến “three R ” (Reading – đọc, Writing – Viết, và Arithmetic – số học) khi nói về giáo dục. Những người theo phương pháp Montessori (Montessorian) đương nhiên đồng ý rằng những nền tảng đó là các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, nhưng họ cũng hiểu rằng có nhiều điều có thể đạt hơn nữa thông qua quá trình học tâp. Đứa trẻ có thể học những kỹ năng cần thiết để có thể suy nghĩ và hành động độc lập sáng tạo trong quá trình vận động (Movement), giao tiếp (Communication) và phát triển các giác quan (Sensorial development).
Sự phát triển của đứa trẻ đi theo con đường gồm các giai đoạn nối tiếp độc lập, và kiến thức này phải hướng dẫn chúng ta trong cách ứng xử với đứa trẻ. Chúng ta cần giúp đỡ đứa trẻ hành động, suy nghĩ và cả ý chí.
Sự vận động
Từ giây phút chào đời, sự vận động giúp đứa trẻ chạm tới những thứ xung quanh mình. Khi đứa trẻ học cách vận động, chúng không chỉ kiểm soát được các cơ (kiểm soát vận động) mà còn giúp trải nghiệm sự phát triển các tế bào thần kinh. Mục đích giáo dục đứa trẻ trong quá trình này và hướng dẫn chúng những hoạt động nhằm tổ chức và kết nối vận động, Khi một đứa trẻ có định hướng, vận động trở nên có định hướng, chúng sẽ “lớn lên một cách thầm lặng, thoải mái và trở thành một công dân hoạt bát, bình tĩnh và đầy niềm vui” như Montessori miêu tả. Điều này đã được quan sát rất nhiều trong các lớp học theo phương pháp Montessori trên toàn thế giới.
Giao tiếp
Đứa trẻ đến với thế giới này gắn liền với việc học ngôn ngữ. Học nói là bản chất tự nhiên của con người và xu hướng bẩm sinh này sẽ khiến cho việc học các ngôn ngữ đặc biệt dễ dàng đối với trẻ dưới 6 tuổi. Ngay từ ban đầu đứa trẻ đã dùng biểu cảm nét mặt, động tác và lời nói để trao đổi những nhu cầu cơ bản của chúng. Đến năm 2 tuổi, nhu cầu giao tiếp tự nhiên của đứa trẻ sẽ khiến chúng học đọc và viết. Do sự phát triển ngôn ngữ có mối quan hệ bện chặt với sự phát triển thể chất và trí thông minh của đứa trẻ.
Sự phát triển giác quan
Quan sát khoa học đã chỉ ra rằng việc giáo dục không phải là cái giáo viên đưa ra, giáo dục là quá trình tự nhiên của mỗi cá thể con người và không phải đạt được chỉ thông qua việc nghe nói mà phải thông qua việc trải nhiệm với môi trường xung quanh.
Việc phát triển các giác quan bắt đầu từ lúc mới sinh (thậm chí còn trước đó). Thông qua các giác quan, đứa trẻ nhanh chóng phát triển bằng cách hấp thụ không giới hạn lượng thông tin mới của thế giới mới như miếng bọt biển thấm hút nước. Phát triển giác quan thực hiện thông qua 5 giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Việc phát triển giác quan không những giúp đứa sẽ cảm thụ được điều mới và còn chuẩn bị cho bộ não tiếp nhận những bài học thuật sắp tới như toán học, khoa học và nhiều hơn nữa.
#3. Bộ óc thẩm thấu (The absorbent mind)
Phương pháp Montessori
“Đứa trẻ bắt đầu với những kiến thức xung quanh môi trường mình. Làm thế nào để đứa trẻ hoà nhập được? Chúng thực hiện điều đó hoàn hoàn dựa vào một trong những đặc điểm mà bây giờ chúng ta nói đến – đó là sự nhạy cảm đặc biệt và mãnh liệt do những thứ xung quanh tác động, đánh thức sở thích và tính hiếu kỳ của chúng. Đứa trẻ hấp thụ những ấn tượng không chỉ với bộ óc mà còn với cách sống. ~Maria Montessori, The Absorbent Mind
Đứa trẻ có mối quan hệ khác nhau với môi trường xung quanh chúng từ chúng ta và đứa trẻ hấp thụ chúng. Những thứ chúng thấy không chỉ được ghi nhớ và còn hình thành một phần tâm hồn. Những thứ đứa trẻ thấy bằng mắt mình, nghe bằng tai xung quanh thế giới sẽ hiện thân trong bản thân đứa trẻ. Một trong những khám phá quan trọng và cơ bản của Montessori chính là “bộ óc thẩm thấu“. Trong suốt 6 năm đầu đời, đứa trẻ có những cách học tập khác so với người lớn. Ở độ tuổi này, đứa trẻ có bộ não như miếng bọt biển, có thể thẩm thấu một khối lượng khổng lồ các kiến thức từ môi trường xung quanh và chúng học hỏi một cách không mệt mỏi, liên tục và không phân biệt điều gì. Bộ não đứa trẻ gắn liền với sự học hỏi ở một tốc độ nhanh chóng. Khi bạn nghĩ về tất cả những gì đứa trẻ có được trong những năm đầu đời (giao tiếp bằng lời, không bằng lời, kiểm soát vận động, kỹ năng xã hội, cảm xúc,..) thì mới thấy kinh ngạc.
“… Nếu chúng ta so sánh khả năng của người lớn và trẻ con, những việc mà chúng ta mất 60 năm lao động để đạt được thì một đứa trẻ có thể làm được trong 3 năm đầu đời của chúng” ~ Maria Montessori (The Absorbent mind)
Tầm quan trọng to lớn của giai đoạn bộ óc thẩm thấu
Làm thế nào đứa trẻ có thể làm được điều đó? Với bộ óc có khả năng thẩm thấu đến kinh ngạc! Bà Maria Montessori đã giải thích rằng trong giai đoạn này, đứa trẻ đang dần hình thành bản thân mình, hoặc trang bị bước vào giai đoạn trưởng thành của chúng. Sự phát triển này xảy ra trong suốt 6 năm đầu đời rất quan trọng. Đứa trẻ phát triển 85% cấu trúc bộ não trước khi bước sang 5 tuổi và chúng tiếp tục phát triển suốt chặng đường đời còn lại dựa trên nền tảng cơ bản này.
Giai đoạn bộ óc tiếp thu theo tiềm thức
Maria Montessori phân biệt giai đoạn bộ óc thẩm thấu thành hai giai đoạn nhỏ: Giai đoạn chưa ý thức và giai đoạn tiếp thu có ý thức. Từ lúc sinh ra đến 3 tuổi, đứa trẻ tiếp nhận thông tin một cách không có ý thức hoặc không hiểu. Đứa trẻ muốn học ngồi, đứng, đi lại, sử dụng bàn tay hay nói…mà không cần nỗ lực có ý thức. Đứa trẻ đang phát triển những chức năng cơ bản thông qua bắt chước. Trẻ con ở giai đoạn này sẽ bắt chước những gì chúng nhìn thấy. Tất cả điều đó nhằm chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo: giai đoạn tiếp thu có ý thức.
Từ 3 tuổi đến tầm 6 tuổi, trẻ chuyển sang giai đoạn phát triển có ý thức. Bộ óc của đứa trẻ vẫn giống như miếng bọt biển và tiếp thu thông tin một các dễ dàng, tuy nhiên bây giờ chúng sẽ có nhu cầu trải nghiệm có ý thức. Trẻ em trong giai đoạn này đang phát triển những chức năng mới. Chúng bắt đầu học tập những thứ như tính trật tự, sắp xếp, toán đơn giản, âm nhạc, chữ cái và âm thanh. Những thứ này cuối cùng cũng dẫn đến kỹ năng toán học, đọc hiểu và viết. Chúng cũng tiếp tục kiểm soát tốt hơn vận động, cân bằng, cơ chế vật lý cơ bản. Trẻ em trong giai đoạn này sẽ thể hiện mong muốn tự thân (thường rất quyết liệt) là tự được chọn lựa và hoàn thành một công việc một cách độc lập. Maria Montessori gọi điều này là giai đoạn “giúp tôi làm nó một mình” (“help me to do it myself”).
(…)

Cây đa bên hồ chú ve kêu ra rả gọi hè về
Chỉ có chú bướm nhỏ đậu trên chiếc đu bên bờ dậu
Tiếng thầy giáo vẫn đều đều viết bài trên bục giảng
Đợi giờ tan học, tôi đợi những trò chơi ngày thơ ấu
Cửa hàng thứ gì cũng có nhưng trong túi quần trống rỗng
Rốt cuộc Gia cát tư lãng hay hắc ám người nào có thể ăn trộm được bảo kiếm?
Cô bạn cạnh lớp tại sao không đi qua cửa sổ tôi ngồi một lần nhỉ?
Miệng ăn quà, tay cầm tranh, lòng nghĩ đến mối tình đầu.
Chỉ khi đến giờ đi ngủ mới chợt thấy bài tập về nhà chưa làm xong
Chỉ sau giờ kiểm tra mới biết những sách cần đọc vẫn chưa đọc
Thầy cô thường bảo thời gian quý như vàng
Ngày qua ngày một tuổi thơ thật mơ hồ.
Không biết được tại sao mặt trời luôn lặn phía bên kia dãy núi
Không ai có thể biết trong núi kia có thần tiên hay không?
Hồi ức ngày thơ chỉ một mình tôi ngắm bầu trời xanh kia
Một tuổi thơ đầy kì lạ, mộng tưởng và cô đơn…
Dưới ánh mặt trời, chuồn chuồn bay qua bay lại trên đồng lúa xanh
Bút màu cũng không thể vẽ nên sắc cầu vồng trên bầu trời kia.
Lúc nào có thể giống các bạn học lớp trên với bộ mặt trưởng thành nhỉ?
Chỉ mong đến kỳ nghỉ, mong ngày mai, mong tuổi thơ trưởng thành
Ngày qua ngày, năm qua năm, chỉ mong lớn lên mà thôi.

Thời thơ ấu – La đại hựu

Thời thơ ấu – La đại hựu

Thời thơ ấu – La đại hựu
Recent Comments