Khích lệ niềm vui triết học của trẻ thơ
Dịch “鼓励孩子的哲学兴趣” của tác giả Chu Quốc Bình, tuyển tập tản văn “善良。丰富。高贵”, 2010.
Ở một góc độ nào đó, trẻ con đều là những nhà triết học từ khi mới sinh ra. Tất nhiên những đứa trẻ không biết khái niệm thế nào là triết học nhưng bộ óc trẻ thơ lúc nào cũng sôi nổi đặt ra các câu hỏi về thế giới xung quanh chính là bản chất chân chính của triết học. Tôi tin rằng trên mặt bằng chung, trẻ con có hứng thú với các vấn đề triết học hơn nhiều so với người lớn. Điều này một phần do từ thủa ấu nhi cho đến khi thiếu niên chính là giai đoạn bắt đầu xuất hiện nhận thức lý tính và dần dần phát triển đến thời kỳ trưởng thành, giai đoạn này trẻ luôn luôn có sự tò mò tối đa, đòi hỏi học tập những cái mới cao nhất. Mặt khác, trong đôi mắt trẻ thế giới hiện ra hoàn toàn mới mẻ, trong mỗi giai đoạn này, bản thân sự phát triển cũng chính là không ngừng tìm thấy những điều mới mẻ trong cuộc sống, nhìn nhận cuộc sống ở các góc độ mới, khiến cho đứa trẻ càng bối rối và thích thú, càng khiến chúng lúng túng và suy nghĩ. Gốc của triết học chính là sự nghiên cứu sâu xa về bản chất của thế giới và cuộc sống, giai đoạn trẻ thơ hay niên thiếu chính là thời kỳ xuất hiện các cơ hội nghiên cứu đẹp nhất này.

Thế nhưng, đại đa số mỗi người đều lớn lên theo tuổi tác và dựa vào kinh nghiệm, ai cũng từng có những niềm vui triết học tự sinh này nhưng đã mơ hồ mất dần đi. Tuổi tác đã khiến cho những tiểu triết gia biến thành một người tầm thường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do môi trường những người sống xung quanh đứa trẻ và người nhà hay thầy cô cũng cần phải có trách nhiệm. Theo ý kiến của tôi, đối với các vấn đề mang tính triết học mà đứa trẻ nêu ra, người lớn thường có ba cách xử lý như sau: một là thờ ơ không để tâm, cho rằng các câu hỏi của trẻ không cần thiết phải lý giải, hai là giáo huấn một cách thô bạo rằng trẻ không cần suy nghĩ vớ vẩn, ba là qua loa có lệ bằng những câu trả lời đơn giản cho xong. Trong con mắt của người lớn, việc suy nghĩ lý giải về thế giới và con người rất mơ hồ, cảm thấy vô ích bởi chỉ có bài vở, thi cử, công việc tốt trong tương lai mới là điều chính yếu của cuộc sống. Trong môi trường chạy theo những cái lợi trước mắt, niềm vui triết học của những đứa trẻ không những không được khích lệ mà còn nhanh chóng bị dập tắt đi.
Triết học rốt cuộc hữu dụng hay vô ích?Vấn đề then chốt trả lời câu hỏi trên chính là xem xét ích lợi của triết học từ góc độ nào. Nếu như bạn muốn đánh giá trên kết quả thi cử giỏi, tìm được công việc tốt, kiếm được nhiều tiền thì triết học không mang lại những lợi ích như vậy. Tuy nhiên nếu bạn hy vọng đứa trẻ của mình thành một con người chân chính ưu tú thì triết học chính là hữu dụng nhất. Tất cả những nhân vật ưu tú của lịch sử nhân loại không kể trong bất cứ lĩnh vực nào đều phải là con người có những tư tưởng lớn lao và cách lý giải độc đáo của bản thân về nhân sinh và thế giới. Những người chỉ có trí khôn vặt mà không có một trí tuệ lớn thì tự cổ chí kim chưa thấy một người nào làm nên đại sự.

Do vây, nếu như bạn thực sự yêu những đứa trẻ, quan tâm đến tương lai của chúng thì xin hãy để tầm nhìn của bản thân xa hơn một chút. Không những không được làm tổn thương niềm hứng thú triết học tự nhiên của mỗi đứa trẻ mà còn phải bảo vệ và khích lệ phát triển nó. Phương pháp khích lệ tốt nhất đó chính là cùng với đứa trẻ thảo luận các vấn đề trẻ quan tâm. Về bản chất, bất kỳ vấn đề triết học chân chính nào đều không có một đáp án mang tính tiêu chuẩn. Điều đáng trân trọng nhất chính là quá trình bản thân phát hiện ra các vấn đề và nghiên cứu sâu về chúng, nó giúp cho chúng ta luôn duy trì một thái độ sôi nổi hứng thú nghiên cứu về bản chất của các vấn đề đó.
Về phương diện này ai trong chúng ta đều cần phải có một trình độ cơ bản nhất định. Trên thực tế, những cuốn sách mang tính nền tảng không những phù hợp cho trẻ con đọc mà còn phù hợp với người lớn và trẻ em, giáo viên và học sinh cùng nhau đọc. Đứng từ góc độ chuyên môn, người lớn cần thiết phải có kiến thức nền tảng, nếu không thì sẽ không thể trở thành phụ huynh hay giáo viên ưu tú được. Điều này có khó lắm không?
Leave a Reply